Quy Nhơn – Bình Định, vùng đất đầy nắng gió, nổi tiếng với nhiều sản vật ngon và bổ dưỡng: bún Song Thằn, bánh ít lá gai, bánh tráng nước dừa, nem chợ Huyện, rượu Bàu Đá … và các loại hải sản khô thơm ngon đặc trưng mang hương vị mặn mòn của biển cả.
Nem chợ huyện
Nem Chợ Huyện có vị lạ khác so với nen chua Hà Nội, Thanh Hóa hay nem lụt ở Huế, lại càng rất khác so với nem bùi Bắc Ninh, nem Ninh Hòa – Khánh Hòa.
Nem Chợ Huyện vừa cay, vừa chua, có mùi thơm của tiêu, vị ngọt của thịt làm nên món ăn lạ miệng và lôi cuốn, lại có vị mằn mặn của gia vị. Nguyên liệu chủ yếu bao gồm thịt (phải là thịt nạc heo cỏ) xay nhuyễn, bì lợn cạo sạch, luộc chín bỏ vào máy cán thành sợi ngắn; thính là gạo tẻ rang vàng xay nhỏ. Gia giảm còn có men, tiêu bắc, muối tinh và bột ngọt vừa đủ…
Tuy nhiên, để có chiếc nem ngon cách chế biến mới là khâu quan trọng. Khâu pha chế, gói nem, lạt buộc cần sự tỉ mỉ, cẩn thận để nem đạt độ chín, khi mở lá ra ruột nem có màu hồng bóng, nem được ăn với rau thơm, có thể cuốn với bánh tráng. Nem khi ăn được chấm với nước tương hoặc nước mắm tùy theo khẩu vị của mỗi người
Bánh ít lá gai
“Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”
Về Bình Định, du khách sẽ được nếm hương vị ngọt lành của bánh Ít lá gai, là thứ bánh đơn sơ mộc mạc, rất gần gũi với người dân Bình Định.
Những ngày giỗ kỵ có thể thiếu cá, thiếu thịt nhưng không thể thiếu bánh Ít lá gai. Và trong phong tục cưới xin, mâm bánh Ít lá gai còn thể hiện sự đảm đang khéo léo của người phụ nữ.
Bánh được làm bằng bột nếp tươi quết nhuyễn với lá gai và đường cát, nhân bánh làm bằng đậu xanh hoặc cơm dừa. Bánh ít lá gai thật dẻo, nhưng ăn không dính răng. Ăn một miếng, vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cay nồng của gừng, tạo thành một cảm giác khoái khẩu và rất riêng
Bún Song Thằn
Làm bằng đậu xanh với nước tinh khiết của dòng sông Kôn. Nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt là có giá trị dinh dưỡng cao, được sản xuất từ vùng An Thái (Nhơn Phúc, An Nhơn).
Sở dĩ gọi là “song thằn” vì khi làm bún người ta thường bắt bún thành từng đôi một. Tương truyền các vua triều Nguyễn thường triệu thợ bún vùng An Thái ra kinh đô Huế làm, nhưng không thành công, vì không có nước sông Kôn.
Bánh tráng Nước Dừa
Được làm từ tinh bột khoai mì, trộn với nước cốt dừa, ít vừng, hành và hạt tiêu tất cả đem trộn lại với nhau theo tỷ lệ bí truyền. Bánh thường dùng để khai vị, ăn vào miệng ta có thể cảm nhận được hương vị rất đặc trưng bởi sự hòa quyện của bột khoai mì, nước cốt dừa, cay thơm nồng của hạt tiêu, hành…
Tré
Tré có vị chua, ngọt, thơm dịu nguyên liệu làm Tré gồm: thịt lợn, thịt bò, riềng, tỏi thái mỏng, nêm gia vị cho vừa miệng ăn. Sau đó lót một lớp lá ổi, dùng một lớp rơm khô lót bên ngoài và bó cho thật chặt.
Tré được ủ 2 – 3 ngày sẽ chín; các gia vị thấm vào thịt tạo nên một mùi thơm đặc trưng, cộng với vị riềng, tỏi lên men rất thơm ngon, quyến rũ.
Rượu Bàu đá
Được mệnh danh là “Đệ nhất Danh Tửu”, rượu được chưng cất từ gạo và nguồn nước ngầm trong mát, ngọt ngào từ những hộc đá ngầm xóm Bàu Đá, thôn cù lâm, xã Nhơn lộc, huyện An Nhơn.
Để có rượu ngon phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ quy trình, kỹ thuật chưng cất đến chất men, nguồn nước. Rượu Bàu Đá càng để lâu càng thơm ngon, uống càng đậm đà, càng sảng khoái.
Bánh hồng Tam Quan
Đặc sản bánh hồng Tam Quan được làm từ dừa và gạo nếp ngự có màu hồng nhạt hoặc trắng đục, khi ăn vừa mềm vừa thơm khiến ai ăn cũng nhớ mãi.
Bánh hồng tại Bình Định được làm ở khá nhiều nơi nhưng tại thị trấn Tam Quan vẫn ngon hơn cả nên bạn có thể tới thị trấn Tam Quan để mua hoặc tới các cửa hàng đặc sản Bình Định. Lưu ý với bạn là loại đặc sản Bình Định nên mua làm quà này có hạn sử dụng không được lâu nên bạn mua về hãy ăn nhanh và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nhé!
Nón ngựa Phú Gia
Một đặc sản Quy Nhơn – Bình định không thể không kể đến là nón lá Phú Gia. Nổi tiếng bởi đặc điểm đẹp, bền và chỉ những thợ lành nghề ở Phú Gia (Cát Tường, Phù Cát) mới làm được.
Bây giờ loại nón này chủ yếu bán cho những người muốn tìm lại nét xưa, phục vụ khách du lịch hoặc sản xuất theo hợp đồng của thương lái.
Mắm các loại
Mắm làm gì ăn cũng ngon, dù ăn sống, chiên hay chưng với thịt, đặc biệt là mắm cá thu. Để làm ra loại mắm cá thu ngon, người làm phải là người hết sức tinh tế và cầu kỳ. Cá thu phải tươi và được làm thật sạch, lượng muối và loại muối cần chắc tay, thính rang vàng giã mịn và quan trọng nhất là khâu cho đường và một ít rượu, kèm theo tí mật ong.
Phải kết hợp vừa đủ các gia vị thì mắm mới có mùi thơm của thính, vị mặn, ngọt béo của muối đường và cá trộn lẫn. Mắm được ủ chặt trong hủ mắm từ 5 – 6 tháng mới dùng được, mắm để càng lâu thì càng ngon.
Nguồn: dulichbinhdinh.com.vn