Ẩm thực Nhật Bản
Nhắc tới Nhật Bản, du khách thường nghĩ tới truyền thống văn hoá lâu đời và nền ẩm thực đặc sắc. Tuy nhiên, không nhiều người biết ẩm thực Nhật Bản (washoku) còn được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần được lưu giữ và bảo tồn. Cả thế giới hiện có 3 quốc gia được công nhận là Pháp, Nhật Bản và gần đây nhất là Mexico.
Các món ăn Nhật luôn sử dụng nguyên liệu theo mùa để đem tới hương vị đại diện của từng giai đoạn cho thực khách. Ngoài ra, đầu bếp Nhật luôn quan tâm tới tính thẩm mỹ, để mỗi món ăn đều trông như một tác phẩm nghệ thuật.
Người Nhật thường ưa những món ăn thanh đạm nên hạn chế sử dụng tỏi, hạt tiêu và dầu mỡ. Với những món chiên như tempura, lớp bột yêu cầu phải thật mỏng để giảm tối đa việc hút dầu.
Tuy nhiên, để đảm bảo hương vị, các món ăn thường được dùng kèm với các loại nước tương không dậy mùi, wasabi, dưa chua, gừng thái lát hoặc sốt chua vị cam quýt…
Đầu bếp Nhật luôn cầu kỳ trong việc lựa chọn đĩa đựng thức ăn, trong đó chất liệu ưa thích là gốm cổ và sơn mài với nhiều màu sắc, hình dạng khác nhau. Thậm chí, những chiếc bát trong nhà hàng ở Kyoto có tuổi đời lên tới 200 năm. Ngoài ra, họa tiết trên bát phải tượng trưng cho mùa, ví dụ những mẫu in hình lá non sẽ được sử dụng vào mùa xuân như sự đâm chồi nảy lộc.
Các bữa ăn Nhật thường có rất nhiều loại rau, nhưng lại khó để tìm ra một bữa ăn chay toàn bộ. Đó là do truyền thống sử dụng nước dùng từ cá và rắc thêm vụn cá ngừ khô để tăng hương vị.
Ẩm thực Nhật có rất nhiều quy tắc và nghi thức, ví dụ như bạn chỉ lịch sự khi ăn mì tạo thành tiếng, nhưng lại không được phép gây tiếng động khi dùng súp với cơm; hay không được đặt đũa trên bát, thay vì thế hãy sử dụng miếng kê đũa bên cạnh.
Theo Hải Thu/ Vnexpress