CẢM NHẬN VỀ CHUYẾN RA ĐẢO LÝ SƠN
KTS, Nhà thơ Minh Trí
(Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng)
Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cách đất liền 15 hải lý. Lý Sơn có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, một hệ sinh thái biển đảo, nhiệt đới đa dạng và ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, với gần 70 đình chùa, miếu mạo, thờ tự được phân bổ đều khắp trên địa bàn huyện, trong đó có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 6 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã được xếp hạng. Nơi đây vẫn đang lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị liên quan đến những đội hùng binh vâng mệnh triều đình đi trấn giữ vùng lãnh hải của Tổ quốc cách đây hàng trăm năm. Trên đảo có 5 ngọn núi: Thới Lới, Giếng Tiền, hòn Vung, hòn Sỏi, hòn Tai. Đặc biệt là xung quanh đảo có nhiều rạng san hô nhiều màu sắc, hình dáng muôn vẻ, trông rất đẹp mắt, rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch lặn biển; du khách còn được thưởng thức các món ăn hải sản tươi sống và các loại rau làm từ rong biển,… Đến với đảo Lý Sơn bạn khám phá được nhiều di tích văn hóa, lịch sử như chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, miệng núi lửa, di tích Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Âm Linh tự, các di chỉ văn hóa Chăm và Sa Huỳnh. Mời các bạn cùng tôi tham gia chuyến tham quan và thực tế sáng tác văn học nghệ thuật tại đảo Lý Sơn do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng kết hợp với Công ty Du lịch Việt Promotion tổ chức nhé.
Trưa ngày 17/7/2017 chúng tôi tới cảng biển Sa Kỳ là một cửa biển trong năm cửa biển của tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở địa bàn xã Bình Châu thuộc khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn. Cảng Sa Kỳ nằm trên vùng Ba Làng An nổi tiếng trong Chiến tranh Việt Nam và rất gần với lăng thờ cá Ông ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh- di tích liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 18/05/1990, tỉnh Quảng Ngãi đã khởi công cho nổ mìn 5000 kg mở rộng lòng cảng, phá và vét 8000 m³ đá ngầm dưới nước. Ngày 17/09/1991, luồng cảng đã mở cửa cho chiếc tàu đầu tiên mang tên Ba Tơ trọng tải 442 tấn vào cảng. Cảng Sa Kỳ và vùng phụ cận thuộc loại sầm uất nhất trong các vùng ven biển miền Trung Việt Nam. Cảng đóng vai trò là nơi xuất nhập khẩu các mặt hàng, sản phẩm của riêng tỉnh Quảng Ngãi và cũng cho tỉnh Champasak của Lào- tỉnh quan hệ kết nghĩa nhưng không có bờ biển. Tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn ngày thường có 04 chuyến: sáng khoảng 07h30 và kết thúc chuyến chiều khoảng 15h30. Những ngày cuối tuần và dịp lễ sẽ có từ 8 đến 9 chuyến. Sẽ bắt đầu từ 7h và kết thúc chuyến chiều khoảng 17h. Theo lịch trình ngày thường, tàu chạy lúc 07h30 sáng, tuy nhiên, nếu do lượng khách đông vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ thì cứ đủ khách là tàu xuất bến.
Chiều ngày 17/7/2017 chúng tôi ra tới đảo Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách bờ khoảng 30km, với diện tích gần 10km2 và dân số hơn 20.000 người. Đảo Lý Sơn chúng tôi đến trong những ngày nắng ấm mênh mang, bãi biển trong vắt và người dân vô cùng dễ mến. Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 hòn đảo là Đảo Lớn, Đảo Bé và hòn Mù Cu. Đảo Lớn còn gọi là Cù Lao Ré, là trung tâm của Lý Sơn. Đảo Bé còn có tên gọi khác là An Bình. Hòn Mù Cu ở phía đông, nằm sát Đảo Lớn, là đảo nhỏ nhất và không có người ở. Trong thời gian gần đây, do là một địa điểm du lịch thu hút được nhiều du khách cộng với việc đường điện quốc gia đã kéo ra nên Lý Sơn đã được đầu tư khá nhiều vào các dịch vụ lưu trú. Khách sạn Lý Sơn chúng tôi đến ở là một trong những khách sạn to ở đảo, ngoài ra còn có rất nhiều nhà nghỉ. Đến đảo Lý Sơn không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên thoang sơ tuyệt đẹp, mà còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản tươi ngon do người dân nơi đây chế biến. Đảo Lý Sơn được mệnh danh là vương quốc tỏi, cây tỏi ngoài lấy củ còn được chế biến thành món gỏi hấp dẫn. Gỏi tỏi Lý Sơn được làm từ thân tỏi đực, tỏi nhổ lên chỉ lấy phần thân, bỏ lớp vỏ ngoài cùng, rửa sạch hấp cách thủy cho chín rồi trộn với các loại gia vị, rắc thêm ít đậu phộng là có món gỏi có hương cay nồng của tỏi ngon tuyệt.
Tối ngày 17/7/2017 ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; Chúng tôi ăn tối trong một nhà bè trên đảo với những đồ hải sản mà ngư dân mới đánh bắt từ biển về. Kể từ ngày có điện lưới quốc gia, đảo Lý Sơn về đêm có thêm nhiều cửa hiệu bán tỏi điện sáng bắt mắt và hình thành chợ đêm để bán và chế biến tại chỗ các loại hải sản tươi sống do ngư dân vừa đánh bắt về. Hoạt động mua bán ở chợ đêm hải sản trên đảo Lý Sơn ngày càng sôi động và phát triển bởi nhu cầu thưởng thức hải sản tươi sống của du khách khi đến với đất đảo ngày càng gia tăng. Không chỉ được thưởng thức sản vật của biển, với nhiều người, việc quan sát chủ quán chế biến hải sản tại chỗ theo yêu cầu khi đến với chợ đêm cũng là một cảm giác trải nghiệm khá thú vị. Tuy nhiên, quan trọng hơn, du khách đến với chợ hải sản ngày càng nhiều còn vì sự thật thà, chất phác và mến khách của người dân xứ đảo. Chính vì vậy, chợ đêm ở Lý Sơn đã trở thành địa chỉ không thể bỏ qua của du khách khi đến với đất đảo. Hàng chục loại hải sản tươi sống được bày bán trông rất bắt mắt. Nhiều loại hải sản độc đáo như nhím biển cũng được bày bán. Tôm hùm tại chợ đêm được bán với giá chỉ bằng 1/2 so với đất liền. Cua huỳnh đế tươi sống được ngư dân vừa bắt từ biển về. Nhiều du khách thấy thich thú và lạ lẫm với chợ đêm chuyên bán hải sản tươi sống ở Lý Sơn. Mỗi đêm, chợ hải sản Lý Sơn thu hút hàng trăm lượt khách.
Sáng ngày 18/7/2017, chúng tôi từ Đảo Lớn Lý Sơn- Cù Lao Ré đi tàu cao tốc ra Đảo Bé- Cù Lao Bờ Bãi hay còn gọi là đảo An Bình. Đảo Bé cách đảo lớn Lý Sơn khoảng 3 hải lý về phía Tây Bắc. Đảo rất bé với diện tích 0,69km vuông, dân số khoảng 400 người nên người dân Lý Sơn thường gọi nơi này với cái tên thân mật là Bé, hay còn tên gọi khác là đảo An Bình hay Cù Lao Bờ Bãi. Nơi đây có một bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi cánh cung vách đá cao và những con sóng tung bọt trắng xóa ào ạt ngày đêm. Đoàn chúng tôi đi qua Nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt theo công nghệ Nhật Bản. Chúng tôi tới bãi đá Mâm Tàu là trầm tích núi lửa triệu năm, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp được nhiều cảnh đẹp nơi đây. Đoàn đã mua một cây bàng vuông trên Đảo Bé Lý Sơn và dự kiến về trồng ở khuôn viên Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng. Chúng tôi đi qua những ruộng bậc thang hành tỏi, mùa tỏi Lý Sơn bắt đầu được trồng vào tháng 9 và thu hoạch vào khoảng đầu tháng 12 vì bấy giờ sẽ là mùa mưa ở Lý Sơn. Giữa miền trung khô cằn nắng gió, đảo Bé ở Lý Sơn nổi lên như một viên ngọc xanh trong, nơi có bãi cát trắng mịn, nước biển xanh màu trời. Đảo Bé là điểm đến thú vị không chỉ vì bãi biển đẹp, mà còn để trải nghiệm và cảm nhận sự nguyên sơ của cảnh sắc thiên nhiên trước khi được con người khai thác du lịch nhiều.
Sáng ngày 19/7/2017, chúng tôi đã lên núi Thới Lới đến với cột cờ quốc gia đảo Lý Sơn. Công trình Cột cờ Tổ quốc tại huyện đảo Lý Sơn được khởi công xây dựng từ ngày 4/5/2013 trên núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất ở đảo Lý Sơn. Cột cờ có chiều cao 20m, đế trụ cờ và móng cột cờ được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Công trình có dạng kiến trúc gồm: Đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử dụng cho những ngọn hải đăng vững chắc. Mặt chính trên đài có ghi lại thông tin toạ độ cột cờ. Đài cờ cao 5m, thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ.
Phía sau cột cờ là 4 bức phù điêu mang biểu tượng ngọn lửa thể hiện sức trẻ của học sinh, sinh viên cả nước hướng về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Công trình do học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp trong cả nước đóng góp. Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới ở đảo Lý Sơn không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn được ví như “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam là bất khả xâm phạm. Đây là công trình thể hiện sự chung sức, đồng lòng, sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc của thế hệ trẻ cả nước.Cột cờ không những là lời thề son sắt của tuổi trẻ nguyện quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đối với biển, đảo quê hương, mà còn là điểm tựa cho ngư dân thêm an lòng mỗi khi vươn khơi bám biển. Với ý nghĩa đó, triệu triệu trái tim đã hòa cùng một niềm tin bất diệt “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Ngày 19/7 chúng tôi du ngoạn thắng cảnh Hang Câu nằm dưới chân núi Thới Lới về phía đông bắc, vách hang nơi thì lõm sâu vào tường đá xám rêu với những vết ngấn do sóng biển triệu năm ăn mòn vào nham thạch, nơi thì dựng đứng sừng sững hút tầm mắt người về phía trời cao. Du khách ngỡ lạc vào chốn non tiên nơi cửa Thần Phù. Tên gọi hang Câu có nguồn gốc là nơi đi về của những thuyền câu, hay là nơi có rất nhiều loại rau câu mà mỗi khi triều xuống người dân vẫn hái về chế biến thành những món ăn khoái khẩu và giàu dinh dưỡng. Khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, huyền ảo của Hang Câu đủ sức quyến rũ, mê hoặc du khách.Theo các nhà địa chất, vào cuối kỷ Neogen, một kỷ địa chất thuộc đại Tân Sinh, cách ngày nay khoảng 25- 30 triệu năm, đảo Lý Sơn được hình thành do sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa. Hiện nay trên đảo có 5 hòn núi đều là chứng tích của núi lửa đã phun trào. Quá trình phun trào rồi tắt đi, nguội lại và phân hóa của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo. Hiện các nhà địa chất đang phân tích cấu tạo địa chất, địa mạo, vận động tạo sơn, phun trào nham thạch… của đảo Lý Sơn cũng như của núi Thới Lới và đang miệt mài làm việc, khảo sát, nghiên cứu để cung cấp dữ liệu xây dựng hồ sơ, trình UNESCO công nhận Lý Sơn và bán đảo Châu My Đông phía đất liền là “Công viên địa chất toàn cầu” Geopark. Khi qua chơi miền đất đảo, thăm thú các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Lý Sơn, chúng ta cùng thưởng ngoạn vẻ đẹp huyền ảo của Hang Câu.
Ngày 19/7 đoàn chúng tôi tới tham quan Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa- Kiêm quản Bắc Hải là nơi lưu giữ kỷ vật của các dân binh cùng cai đội ra làm nhiệm vụ thu lượm các sản vật và đo đạc hải trình cắm mốc chủ quyền biên giới quốc gia. Nhà trưng bày bảo tàng hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa rộng gần 400m2, trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh quý và nhiều hiện vật sinh hoạt liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Bước vào khuôn viên Nhà trưng bày bảo tàng là cụm tượng đài hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa làm bằng chất liệu đá xanh sừng sững uy nghiêm. Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, chép rằng từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu vua hằng năm cho cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê chuẩn trong bản tấu của Bộ Công ngày 12/2/1836 rằng “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng năm tấc, dày một tấc làm cột mốc”. Các vị chỉ huy nổi tiếng một thời là: Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Biện… đã được sử sách lưu danh cùng hàng vạn binh phu trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa. Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa chính là những người đầu tiên xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong nhiều thế kỷ, bắt đầu từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 cho đến những năm 50 của thế kỷ 19. Với những kỳ tích đó, các vua nhà Nguyễn đã ban sắc truy phong cho những Cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là “Thượng đẳng thần” và cho những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là những “Hùng binh Hoàng Sa.”
Chiều ngày 19/7 chúng tôi đã tới chiêm bái Chùa Hang trên đảo Lý Sơn. Để vào chùa Hang, du khách phải xuống núi. Chùa Hang nằm ngay chân núi sát bờ biển chúng tôi men theo lối giữa hai sườn núi để đến Chùa Hang. Kiến trúc chùa tạo nên từ các hang động nằm trong hệ thống hang động lớn nhất ở Lý Sơn nằm trong lòng núi Thới Lới. Phía trước hang thờ chính có đề 4 chữ Hán Nôm “Thiên khổng thạch tự”, dịch là chùa đá trời xây. Chùa Hang là nơi thờ tự Phật và các vị tiền hiền đã góp công khai hoang, dựng xây huyện đảo. Điện thờ không quá lớn song đặt trang nghiêm giữa hang động chính, đặt bàn thờ Phật, Đạt Ma và 3 vị tiền hiền đã khẩn hoang xây dựng huyện đảo Lý Sơn. Theo người dân huyện đảo thì trong hang mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, là nơi dân đảo cư ngụ khi thời tiết khắc nghiệt. Nằm ngay sát biển, nhưng ngay lối vào hang chính lại có mạch nước ngọt. Du khách không khỏi thú vị khi ngước nhìn mạch nước chảy ra từ đá núi rêu phong. Những cây cổ thụ bên Chùa Hang thật thi vị, đó là cây bàng vuông, cây bão táp và nhiều loại cây xứ đảo độc đáo khác. Phong cảnh nhìn từ chùa Hang lại phác họa trong ấn tượng của du khách thêm những bức tranh thủy mạc thiên nhiên ưu đãi ban cho huyện đảo Lý Sơn.
Ngày 19/7 chúng tôi tới Giếng Vua còn gọi là giếng Xó La, được xây bằng những viên đá cuội to xếp chồng lên nhau, đường kính miệng hơn 1m, sâu 6m. Sự ra đời và tên gọi của giếng nước này gắn với nhiều huyện thoại. Khi vua Gia Long bị quân Tây Sơn truy đuổi thì chạy ra đảo Lý Sơn. Khi đó, đảo đang bị hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt của quân sĩ mang theo cũng cạn kiệt, vua cho đào giếng khắp đảo nhưng không có nước. Trong lúc nguy kịch thì ông nằm mơ thấy có người mách nơi đào giếng. Quả nhiên, vừa đào xuống chừng vài mét thì mạch nước ngọt phun trào. Trước khi rời đảo, vua Gia Long ra lệnh cho người dân phải giữ lại giếng này. Một truyền thuyết khác là sau khi lên ngôi, trong một chuyến đi thăm các hòn đảo dọc miền Trung và ghé vào đảo Lý Sơn đúng thời điểm hạn hán hoành hành, vua Gia Long đã lập đàn tế trời cầu mưa. Đêm đó, khi nằm ngủ được báo mộng địa điểm, nên sáng hôm sau vua cho người đến đào giếng, giúp dân vượt qua hoạn nạn. Nhớ ơn vua, người dân đặt tên là giếng Vua hay còn gọi giếng Gia Long. Hàng trăm năm qua, giếng Vua chưa bao giờ bị nhiễm mặn dù rất gần biển, hoặc cạn nước. Quanh năm suốt tháng, nước giếng ngọt và trong vắt. Ở Lý Sơn hiện có khá nhiều giếng nước, nhưng để pha được ấm trà ngon thì không đâu bằng nước giếng Vua.
Chiều ngày 19/7 chúng tôi qua Cổng Tò Vò trên đảo Lý Sơn. Cổng tò vò là một địa danh nổi tiếng trên đảo lớn Lý Sơn, nơi mà bất cứ ai đặt chân đến Lý Sơn cũng nên đến thăm một lần. Với địa chất, địa hình và cảnh quan nơi đây thì khi nói Đảo Lý Sơn được coi chính là đảo Jeju của Việt Nam. Cổng tò vò ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi là một “vòm cổng” bằng đá cao khoảng 2,5m, có hình thù ngoạn mục, và hoàn toàn không có sự tác động nào của bàn tay con người. Đây được xem là cổng vòm đá tự nhiên đẹp nhất Việt Nam. Theo các nhà địa chất, Cổng Tò Vò được hình thành từ nham thạch núi lửa, là kết quả của hàng triệu năm núi lửa hoạt động tại đây. Quanh Cổng Tò Vò là những bãi đá nham thạch đen bóng, hình thù kỳ lạ nhấp nhô trên làn nước trong veo của đảo Lý Sơn. Từ cầu cảng chính đi vào cổng chào của Lý Sơn, rẽ trái đi meo theo con đường nhỏ đến gần chùa Đục sẽ thấy một mỏm đá nhỏ nằm sát dưới biển.Từ Cổng Tò Vò nhìn về phía Nam là khu làng chài sung túc của các ngư dân trên đảo. Trong khi đó ở phía Bắc lại là cảnh tượng hùng vĩ của núi Giếng Tiên, một ngọn núi lửa đã tắt. Khung cảnh tuyệt vời khiến Cổng Tò Vò còn được gọi bằng một cái tên khác là Cổng Thiên Đường. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tới đây để đón những khoảnh khắc khi bình minh lên hoặc khi hoàng hôn dần xuống.
Ngày 19/7 chúng tôi đã tới chiêm bái thắng cảnh Đỉnh Liêm Tự và Chùa Đục trên đảo Lý Sơn. Ngự giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, chúng tôi vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục. Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét; Tượng do hai vợ chồng Việt Kiều Úc cung tiến. Theo con đường dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục trong lòng núi xưa kia theo người dân đảo cũng khá nhỏ, có một vị sư trụ trì trước đây đục sâu vào lòng núi mở rộng chùa vì thế mà có tên là Chùa Đục. Theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai. Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận Đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh. Du khách đặt chân đến ngôi chùa trường tồn lâu đời cùng huyện đảo quê hương đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, không chỉ thú vị với kiến trúc độc đáo của chùa Đục, mà hành trình đến với những thắng cảnh nổi danh xứ đảo này còn được ví như đường lên tiên cảnh với vẻ đẹp như tranh của núi, của trời, của biển đảo Lý Sơn.
Chuyến tham quan và thực tế sáng tác văn học nghệ thuật tại đảo Lý Sơn do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng kết hợp với Công ty Du lịch Việt Promotion tổ chức đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự.